Chữ kỹ số là gì
Chữ ký số là một trong những yếu tố không thể thiếu ở nhiều văn bản điện tử như hợp đồng kinh tế, hóa đơn, báo cáo tài chính… Vậy chữ ký số là gì và điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số như thế nào?
Chữ ký số tiếng anh là Digital signature
1. Chữ ký số là gì?
Khái niệm chữ ký số được sử dụng ở lĩnh vực giao dịch điện tử và ngày càng được nhắc đến nhiều hơn khi quá trình chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Chữ ký số là gì? Rất ít cá nhân trong số chúng ta hiểu đầy đủ chính xác về chữ ký số.
Chữ ký số theo Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 được định nghĩa như sau:
“6. "Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”
Như vậy, có thể hiểu đơn giản chữ số là chữ ký điện tử được tạo ra bằng cách biến đổi các thông điệp dữ liệu, thông qua chữ ký số người ta có thể xác định chính xác được người ký.
2. Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
Chữ ký số được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng ký vào các văn bản trong giao dịch điện tử. Chữ ký số có giá trị pháp lý tương tự chữ ký tay nếu đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật.
2.1 Giá trị pháp lý của chữ ký số
Giá trị pháp lý của chữ ký số được quy định tại Điều 8, Nghị định 130/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
2.2 Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
Ngoài việc hiểu rõ chữ ký số là gì thì bắt buộc chúng ta cần nắm được các điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số khi ứng dụng vào thực tiễn. Tại các văn bản điện tử mà pháp luật quy định cần có chữ ký thì các chữ ký này đều phải đảm bảo an toàn mới được công nhận giá trị về mặt pháp lý.
Căn cứ theo Điều 9, Nghị định 130/2018/NĐ-CP có 3 điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số gồm:
-
Chữ ký số phải được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.
-
Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số và do một trong bốn tổ chức sau đây cấp:
-
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
-
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
-
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
-
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.
-
Tại thời điểm ký, khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký.
Hiểu rõ chữ ký số là gì, các điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số giúp doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch điện tử một cách dễ dàng thuận lợi. Bên cạnh đó đơn vị, doanh nghiệp tránh các rủi ro trong giao kết hợp đồng điện tử giúp mở rộng khách hàng tiềm năng, tăng cường hợp tác quốc tế.